Ngành phân bón Việt Nam đang trải qua giai đoạn ổn định và cân bằng sau chuỗi phát triển mạnh. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường phân bón nội địa đang trong trạng thái bão hoà với nguồn cung nhiều hơn nhu cầu ở phân khúc phân Ure/Phân lân và NPK các doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khi nhu cầu thế giới cao.
TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG PHÂN BÓN VIỆT NAM
Sự tăng trưởng tích cực của ngành phân bón trong năm 2024
Sản lượng sản xuất phân bón Việt Nam trong năm 2024 có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Cụ thể sản lượng sản xuất tăng 16,1% so với thời điểm cùng kỳ năm năm 2023 và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng đang có dấu hiệu chững lại từ tháng 6 năm, do mùa tiêu thụ phân bón cao điểm đã qua.
Sản lượng tăng trưởng nhờ giá gạo tăng
Trong những tháng đầu năm 2024, sản lượng phân urê đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng phân NPK tăng 11,7%. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng này là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, tạo ra nhu cầu lớn cho phân bón. Kể từ đầu năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có lúc đạt mức 16.000 đồng/ký, cao hơn đáng kể so với mức 14.000 đồng/ký của năm trước.
Sự gia tăng này một phần đến từ việc các quốc gia như Philippines, Malaysia và Indonesia đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn cung lương thực do thiên tai và hạn chế sản xuất. Điều này đã tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ đó, nhu cầu phân bón trong nước cũng tăng lên để đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa gạo.
Ngoài ra, hạn ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự tăng trưởng cho ngành phân bón Việt Nam. Ấn Độ, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, đã phải giảm sản lượng gạo nội địa, buộc họ phải áp đặt các hạn ngạch xuất khẩu để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Điều này đã đẩy giá gạo toàn cầu lên cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Nhờ đó, nhu cầu sử dụng phân bón trong nước tăng mạnh để phục vụ cho việc sản xuất lúa gạo. Đây là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp trong ngành phân bón, giúp họ duy trì sản lượng và doanh thu ổn định trong bối cảnh giá gạo toàn cầu tiếp tục tăng.
∗ Hiện tượng El Nino là một thuật ngữ dùng đề chỉ hiện tượng nước biển nóng lên dị thường ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, khiến thời tiết trên phạm vi toàn cầu cũng bị ảnh hưởng. El Nino không phải hiện tượng mang tính cục bộ, mà là một phần hệ thống tương tác có quy mô lớn, phức tạp.
Biên lợi nhuận ổn định
Sự ổn định của giá dầu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chi phí sản xuất phân bón ở mức hợp lý. Giá dầu là một phần chi phí lớn trong quy trình sản xuất phân bón và việc giá dầu không có nhiều biến động đã giúp ngành phân bón ổn định hơn về mặt chi phí. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành tối ưu hóa quy trình sản xuất và giữ cho biên lợi nhuận ổn định.
Trong quí 2-2024, biên lợi nhuận gộp của ngành đã đạt mức 11,7%, tăng nhẹ so với mức 11,2% của quí 1, cho thấy một xu hướng tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là biên lợi nhuận sau thuế lại giảm từ 3,9% trong quí 1 xuống còn 3,1% trong quí 2, phản ánh sự gia tăng của các chi phí hoạt động và các yếu tố khác ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế.
Giá dầu là một yếu tố chi phí lớn trong quy trình sản xuất phân bón, và việc giá dầu không có nhiều biến động đã giúp ngành phân bón ổn định hơn về mặt chi phí. Việc giá dầu không biến động mạnh là một yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể kiểm soát tốt chi phí sản xuất. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội để quản lý chi phí hiệu quả, từ đó duy trì biên lợi nhuận ở mức hợp lý. Điều này cũng giúp ngành phân bón tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt khi nhu cầu về phân bón vẫn đang ở mức cao.
Tình hình kinh tế - chính trị thế giới
- Ảnh hưởng của chiến tranh tại Trung Đông: Tình hình chiến tranh tại Trung Đông ảnh hưởng đến thị trường phân đạm trong năm 2024. Khoảng 51% lượng urê xuất khẩu trên toàn cầu bắt nguồn từ khu vực Trung Đông, và Israel là quốc gia sản xuất phân kali lớn thứ tư trên thế giới
- Trung Quốc hạn chế xuất khẩu Ure: Trung Quốc hạn chế xuất khẩu ure nhằm đảm bảo tình hình nguồn cung trong nước ổn định. Để bảo vệ nguồn cung nội địa, Nga cũng tiến hành gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón.
- Chính phủ Ai Cập cắt giảm nguồn cung khí đốt vô thời hạn: Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm nguồn cung khí đốt.
- Sản xuất ure ở EU dự kiến ở mức thấp: Sản xuất ure ở EU dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp do giá thành sản xuất urê ở khu vực này vẫn cao hơn nhiều so với chi phí nhập khẩu ure từ Ai Cập.
→ Tất cả những yếu tố trên đều tác động đến nguồn cung phân bón trên thế giới và làm tăng giá cả phân bón.
THỊ TRƯỜNG PHÂN BÓN DẦN GIẢM NHIỆT VÀO NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM SAU QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN MẠNH
Thị trường phân bón bắt đầu giảm nhiệt vào những tháng cuối năm 2024, khi tình hình thời tiết toàn cầu dần trở nên ổn định hơn. Hiện tượng El Nino đang dần biến mất theo số liệu chỉ số ONI, ngày 28/9/2024 Chính phủ Ấn Độ đã đình chỉ lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với gạo xay xát không phải gạo basmati, chấm dứt lệnh cấm kéo dài hơn 14 tháng điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và kéo theo sự suy giảm về nhu cầu phân bón.
Thực tế, sản xuất phân bón trong tháng 6 vừa qua đã có dấu hiệu suy giảm khi giá gạo toàn cầu bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ. Điều này cho thấy, sự tăng trưởng của ngành phân bón không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu trong nước mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động trên thị trường quốc tế. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường phân bón nội địa đang trong trạng thái bão hoà với nguồn cung nhiều hơn nhu cầu ở phân khúc phân Ure/Phân lân và NPK.
Dưới áp lực dư cung, giá phân bón trên thị trường thế giới dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn 2024 - 2025. (Nguồn: World Bank, Chứng khoán Rồng Việt)
Chính vì vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khi nhu cầu thế giới cao. Tuy nhiên, việc giành được thị phần từ các cường quốc xuất khẩu ure còn nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất của Việt Nam cao hơn nhiều nước so với các nước sản xuất lớn như Nga, Ai Cập, Trung Quốc, theo Chứng khoán Rồng Việt.
ONI là sự bất thường về nhiệt độ trung bình 3 tháng liên tục chênh lệch so với nhiệt độ trung bình ở vùng nước mặt của vùng nhiệt đới phía đông - trung tâm Thái Bình Dương.
Giá trị chỉ số +0,5 trở lên biểu thị El Nino.